Skip to content
Tư vấn lắp đặt thiết bị inox - Gọi ngay: 0986.344.983

Sắm đủ thiết bị bếp cho nhà hàng

Chuẩn bị thiết bị bếp nhà hàng không đơn giản như phòng bếp của gia đình mà đòi hỏi mọi thiết bị phải thật chuyên dụng.

Đầu tư thiết bị theo kế hoạch dài hạn và thiết kế không gian hợp lý

Gần 100 triệu đồng cho một chiếc thang tải đồ ăn lên các phòng đã làm anh Minh - chủ một nhà hàng ở An Phú, quận 2 đau đầu. Đó là số tiền chiếm 1/7 thiết bị bếp trong nhà hàng. Mặc dù nhà hàng chỉ có ba lầu và có cả thang máy lẫn cầu thang nội bộ, nhưng nhân viên không thể bưng đồ ăn đi chung thang máy với khách hàng, còn cầu thang nội bộ thì không quá rộng để thoải mái di chuyển khi bưng bê.

Cuối cùng, anh Minh không thể không chi tiền để lắp thang tải đồ ăn. Quyết định này đã đúng khi lượng khách hàng đông thì thang tải hàng đã đảm nhận vai trò chuyển đồ ăn nhanh chóng, thuận tiện. Cứ tưởng tượng khách hàng gọi món liên tục mà nhân viên chen chúc nhau trên cầu thang nội bộ thì chắc chắn sẽ chậm và khó tránh khỏi đổ vỡ.

Câu chuyện trên đây cho thấy trang bị và lắp đặt thiết bị bếp nhà hàng phải thật chuyên dụng. Tuy nhiên luôn có một sức ép cho các chủ nhà hàng là nếu bếp lớn quá thì phải giảm diện tích phòng ăn, và ngược lại thì cản trở quá trình làm việc của nhân viên. Do vậy, sự khéo léo trong lắp đặt, tận dụng tối đa các không gian và tạo ánh sáng tự nhiên là bài toán khó mà các nhà thiết kế bếp phải vượt qua. Không gian bếp luôn là điều cần tính trước tiên, nhất là phải đảm bảo sự thuận tiện trong thao tác vì bếp nhà hàng được xem như một dây chuyền sản xuất. Mỗi người đảm nhiệm từng công việc trước khi mọi nguyên liệu được đem đến người đứng bếp nấu nướng.

Mỗi nhà hàng đều chuyên biệt nhiều món đặc sản hầu đem đến sự khác biệt cho khách hàng. Thiết kế bếp phải đảm bảo được sự thuận lợi khi chế biến những món đó. Rõ ràng việc thiết kế và lắp đặt thiết bị bếp nướng khác các loại bếp khác như làm bánh, chiên xào… Mỗi khu vực đều được sắp xếp để những thiết bị và dụng cụ được đặt đúng trong tầm tay. Cần không gian cho máy rửa chén, tủ mát đựng nguyên vật liệu, nơi để vật dụng nấu, dĩa, chén, bát…

Điều kiện ánh sáng và thông gió

Ánh sáng là một yếu tố quan trọng khác. Nhiều nhân viên làm việc dưới áp lực của những con dao sắc nhọn, của nước sôi và của những bếp lò nóng cần phải nhìn thấy rõ cái mà họ đang làm, nếu không sẽ có nguy cơ bị tai nạn. Đầu bếp cần ánh sáng trắng để chiếu sáng khu vực làm việc. Đèn neon tiêu tốn ít năng lượng là nguồn sáng thích hợp nhất.

Thông gió tốt cũng rất quan trọng đối với bếp nhà hàng. Lò nướng, vỉ nướng và những tấm thép nóng toả ra lượng nhiệt có thể nhanh chóng biến phòng bếp nóng như sa mạc giữa trưa hè. Để tạo ra sự tuần hoàn nhiệt sao cho nhà bếp có nhiệt độ vừa phải quyết định đến sức khỏe và năng suất của đội ngũ nhà bếp.

Nhìn chung khu vực nhà bếp phải được thiết kế theo quy trình chế biến thức ăn. Đầu tiên là khu vực sơ chế, nơi lấy nguyên liệu, rửa, cắt, thái..., sau đó sẽ chuyển qua khâu gia công các món ăn… Khu chế biến là khâu quan trọng nhất trong quá trình làm bếp…

Tóm lại, nhà bếp là nơi tốn nhiều tiền đầu tư “nội thất” nhất trong một nhà hàng, do đó, khi có ý định mở nhà hàng, cần tính toán kỹ khả năng tài chính.

Theo Ẩm thực & Khách sạn

5/5 (1 bầu chọn)